Các chuyên gia cho rằng, những sự cố liên quan tới thuong mai dien tu chỉ có thể được giải quyết khi hệ thống pháp luật liên quan tới thương mại đồng bộ và theo kịp với thời đại kinh tế số.
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, công nghệ thông tin và mạng di động với các thiết bị thông minh đã tạo cơ hội và xu hướng mới cho kinh doanh ảo, kinh doanh trực tuyến, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Trên nền tảng công nghệ Internet, thương mại điện tử ở Việt Nam đã hình thành và phát triển nhanh chóng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến, công nghệ tác động tới thương mại điện tử Việt Nam trong những năm tới.
Nở rộ các xu hướng kinh doanh mới
Năm 2012, thương mại điện tử đã trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh doanh, quy mô và địa bàn.
Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng website, coi đây là một kênh quan trọng và hiệu quả để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, giao kết hợp đồng và chăm sóc khách hàng.
Cùng với việc xây dựng website riêng cho mình, các doanh nghiệp đã khai thác lợi ích lớn khi tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Việc tham gia các “chợ đầu mối trực tuyến” này đã giúp các doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng với chi phí thấp...
Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2012 vừa được Hiệp hội thương mại điện tử công bố, hơn 40% doanh nghiệp tham gia điều tra có website và 12% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử.
Hoạt động kinh doanh trên các website liên tục tăng về chất lượng với 36% các website cho phép đặt hàng trực tuyến, 20% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao...
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc PeaceSoft cho rằng, kinh tế vài năm qua ảm đạm nhưng càng khó khăn, thương mại điện tử càng phát triển. Khó khăn kinh tế đã đẩy những nhà bán lẻ truyền thống lên mạng để khám phá những nguồn thu mới, khám phá thị trường thương mại điện tử.
Ông Bình khẳng định, bán hàng online là một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược và thương mại điện tử sẽ trở thành một ngành “nóng”.
Theo các chuyên gia, những xu hướng mới trong tiếp thị trực tuyến và thanh toán trên nền tảng công nghệ Internet, các loại hình kinh doanh, marketing, kinh doanh trên mạng xã hội, quảng cáo trên di động đang tác động sâu sắc tới các doanh nghiệp.
Cùng với đó, thanh toán trực tuyến một cách tiện lợi và an toàn không chỉ có ý nghĩa sống còn với các ngân hàng mà với tất cả doanh nghiệp muốn thành công trong bán hàng trực tuyến.
Nhận định về những xu hướng lớn trong tiếp thị trực tuyến, ông Đỗ Thế Nghĩa, Giám đốc tiếp thị trực tuyến, Tập đoàn VNG cho rằng, đó là sự lên ngôi của thiết bị di động; inbound marketing hiệu quả hơn so với outbound marketing và công cụ tìm kiếm sẽ tác động tới quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, email marketing sẽ là công cụ tiếp thị hiệu quả và một xu thế của truyền thông xã hội...
Tiếp thị trực tuyến đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng. Ông Joe Wheller, giám đốc điều hành Cimigo chia sẻ, di động sẽ là xu hướng tiếp thị trực tuyến năm 2013 mà các doanh nghiệp nên đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, thanh toán qua mobile toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ nhưng mới chiếm phần nhỏ miếng bánh thị phần thương mại điện tử thanh toán. Mặc dù tổng giao dịch qua mobile toàn cầu trong 2011 đạt 241 tỷ USD nhưng dự kiến năm 2015 sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ USD.
Thống kê eBay cho thấy, doanh số mua hàng trang eBay qua mobile năm 2011 đạt khoảng 5 tỷ USD. Ở Việt Nam, việc ứng dụng thanh toán qua mobile chủ yếu là mua thẻ game, nạp ví, nạp điện thoại, chuyển tiền, mua hàng trực tuyến, thanh toán hóa đơn và chứng khoán...
Tuy nhiên, với tỷ lệ thuê bao di động, smartphone ngày càng cao và hạ tầng 3G, 4G ngày càng phát triển với chi phí thấp..., xu hướng online bằng mobile ngày càng phổ biến và giao dịch ngân hàng qua điện thoại sẽ trở thành xu hướng.
Thị trường Việt Nam đang có nhiều tiềm năng lớn trong thanh toán bán lẻ mà hiện nay mới chỉ 7% nhu cầu được khai thác thanh toán điện tử...
Theo các chuyên gia, việc nắm bắt xu hướng phát triển thương mại điện tử trong năm 2013 và những năm tới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt nhịp với công nghệ và mô hình kinh doanh mới, đồng thời giúp cơ quan nhà nước có sự chuẩn bị phù hợp cho hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật về thương mại điện tử.
Hai sự cố, một bài học
Năm 2012 là năm có nhiều “sóng gió” biến động cho thương mại điện tử với việc bán hàng đa cấp trá hình thương mại điện tử và “sự cố” của mua hàng qua mạng, mua hàng theo nhóm đã phần nào giảm lòng tin và ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp điều chỉnh mô hình theo nhóm, bảo vệ quyền lợi của người bán và người mua, hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Ông Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận, tại Việt Nam đây là mô hình kinh doanh thương mại điện tử có cả nửa mặt tốt, nửa xấu. Một mặt nó hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích sự phát triển của thương mại điện tử. Mô hình này làm cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng đến được với nhau qua hoạt động thương mại điện tử bằng các cơ hội giá, từ đó kích thích sự hiểu biết và tiêu dùng của người mua trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Năm 2011, sau khi mô hình mua hàng theo nhóm ra đời ở Việt Nam, tổng doanh số bán hàng của doanh nghiệp đã đạt con số 700 tỷ đồng. Đây là còn số không hề nhỏ, ông Bình khẳng định.
Tuy nhiên, hình thức mua hàng theo nhóm này cũng rất dễ bị lạm dụng để các doanh nghiệp bán hàng không chân chính, bán các sản phẩm dịch vụ không đúng với giá trị thực hoặc không đủ năng lực phục vụ nhu cầu khi có lượng khách hàng mua lượng sản phẩm lớn...
Theo các chuyên gia, những điểm tồn tại, hạn chế, bất cập của hình thức kinh doanh mua hàng theo nhóm trên thế giới cũng đã và đang dần bộc lộ tại một số doanh nghiệp Việt Nam, khi mà dòng tiền của các đơn vị không đủ để thanh toán cho người bán; đồng thời không quản lý được chất lượng dịch vụ của người bán... dẫn đến việc người mua bị thiệt hại.
Cùng với những “lùm xùm” của mua hàng theo nhóm, vụ MB 24 gây xôn xao dư luận trong năm qua đã ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và làm tổn thương đến những doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử chân chính.
Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là do hành lang pháp lý cho hoạt động này chưa được quy định một cách đầy đủ và toàn diện đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp này lợi dụng để kinh doanh, lừa đảo.
Nhiều ý kiến cho rằng, những hiện tượng như kiểu MB24 sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của thương mại điện tử ở Việt Nam và là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Các chuyên gia kỳ vọng, việc ra đời một quy định mới về thương mại điện tử sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ hơn, tạo môi trường thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử một cách bền vững hơn ở Việt Nam trong những năm tới.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu các quy định pháp luật cho việc xử lý các tranh chấp làm thiệt hại cho người tiêu dùng khi tham gia các hình thức như mua hàng theo nhóm. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận thương mại điện tử chỉ là một khâu trong hoạt động thương mại, sản xuất kinh doanh.
MB24 chỉ là website, gian hàng ảo, còn toàn bộ quy trình kinh doanh là thương mại truyền thống. Do đó, vấn đề chính là hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, mô hình mua theo nhóm đòi hỏi sự rà soát, sửa đổi phù hợp, kịp thời các quy định pháp luật hiện hành về giao kết hợp đồng liên quan tới nhiều bên, như bên mua, bên bán và bên trung gian cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những “sự cố” liên quan tới thương mại điện tử chỉ có thể được giải quyết khi hệ thống pháp luật liên quan tới thương mại là đồng bộ và theo kịp với thời đại kinh tế số.
Tiềm năng lớn nhưng cạnh tranh gay gắt
Thực tế thị trường thương mại điện tử Việt Nam được các chuyên gia trong ngành nhìn nhận còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác phát triển đúng tầm.
Ông Bình dẫn giải, một năm người Việt Nam mua bán qua mạng không bằng một ngày người Trung Quốc mua bán qua mạng. Dân số Internet của Việt Nam chỉ bằng 1/16 của Trung Quốc trong khi lưu lượng giao dịch của chúng ta thấp hơn họ 360 lần. Đây là một sự bất cân xứng nhưng lại là cơ hội tiềm năng lớn chưa được khai thác, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ghi nhận trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam đã được nhìn nhận là một thị trường thương mại điện tử khá tiềm năng mà các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đổ vốn vào để tìm kiếm các cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh, đã có những nhà đầu tư đã thành công và có những nhà đầu tư thất bại.
Ước tính trong vòng 2 năm gần đây, tổng nguồn vốn đầu tư vào thương mại điện tử và internet tại Việt Nam đã lên đến gần 100 triệu USD.
Giới chuyên môn nhìn nhận, đây sẽ là một trong những kênh và nguồn thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng. Vấn đề đầu tư nước ngoài được Hiệp hội thương mại điện tử coi là một trong những xu hướng nổi bật nhất của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2012. Bởi thực tế tới cuối năm 2011 lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử ở nước ta chủ yếu mới thu hút được đầu tư gián tiếp của nước ngoài.
Trong năm 2012 một số doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này, cạnh tranh với các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước, nhất là các websie thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội thương mại điện tử chia sẻ.
Theo các dự báo, năm 2013 kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp phải tiếp tục tìm mọi cách để giảm chi phí, duy trì và mở rộng thị trường, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.
Hiệp hội thương mại điện tử nhận định các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn về chiều sâu, tái cấu trúc doanh nghiệp để bắt nhịp với nền kinh tế số. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử là một hướng đi phù hợp giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu trên.
Ông Hưng cho biết, năm 2013, thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh với nhiều hình thức kinh doanh trực tuyến phong phú, đa dạng. Số người tham gia thương mại điện tử tăng nhanh, các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn tới việc ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường và chăm sóc khách hàng.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ trở thành người tiêu dùng thông minh hơn, tỷ lệ người tiêu dùng có khả năng truy cập Internet lớn hơn với kỹ năng mua sắm trực tuyến tốt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét